CGTN: Kinh tế số trở thành động lực tăng trưởng mới cho Trung Quốc và các nước thành viên G20

BẮC KINH, 15/11/2022 /PRNewswire/ -- Ba năm sau đại dịch COVID, nền kinh tế thế giới dù liên tục phải đối mặt với những bất ổn và thách thức cũng đã có những thay đổi sâu sắc. Cùng với đó là cuộc cách mạng số bứt tốc và nền kinh tế kỹ thuật số trở thành mũi nhọn mới cho quá trình phục hồi và tăng trưởng kinh tế.

Theo Sáng kiến hợp tác và phát triển nền kinh tế kỹ thuật số G20 thống nhất tại hội nghị thượng đỉnh G20 tại Hàng Châu năm 2016, nền kinh tế kỹ thuật số bao gồm một loạt các hoạt động kinh tế sử dụng nguồn thông tin và kiến thức số hóa làm yếu tố sản xuất chính, sử dụng mạng lưới thông tin hiện đại làm không gian hoạt động quan trọng và sử dụng hiệu quả công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) làm bệ phóng quan trọng thúc đẩy năng suất và tối ưu hóa cơ cấu kinh tế.

Theo sách trắng do Học viện Công nghệ thông tin và Truyền thông Trung Quốc (CAICT) công bố vào tháng 7/2022, giá trị gia tăng năm 2021 của nền kinh tế kỹ thuật số của 47 quốc gia lớn trên thế giới đã đạt 38,1 nghìn tỷ USD, tăng 15,6% so với năm trước đó, chiếm 45% tổng GDP của các nước này.

Trong đó, các nước thành viên G20 đóng góp hơn 85% GDP toàn cầu, 75% thương mại quốc tế và 60% dân số thế giới, dẫn đầu thế giới trong quá trình phát triển nền kinh tế kỹ thuật số.

Hoa Kỳ đứng đầu thế giới với nền kinh tế kỹ thuật số trị giá 15,3 nghìn tỷ USD. Trung Quốc đứng thứ hai với nền kinh tế kỹ thuật số đạt mốc 7,1 nghìn tỷ USD. Liên minh châu Âu nằm ở vị trí thứ ba với 6,3 nghìn tỷ USD.

Xét về tỷ trọng của nền kinh tế kỹ thuật số trong GDP, Đức, Anh và Hoa Kỳ đều vượt mức 65% và là ba quốc gia dẫn đầu.

G20 đồng thuận về kinh tế số

Trung Quốc, với tư cách là chủ tịch luân phiên tại Hội nghị thượng đỉnh G20 năm 2016 tổ chức tại Hàng Châu, đã lần đầu tiên đưa nền kinh tế kỹ thuật số trở thành một chủ đề quan trọng. Quốc gia này cũng tiên phong trong hoạt động xây dựng và ban hành Sáng kiến hợp tác và phát triển kinh tế kỹ thuật số G20, đây là văn kiện chính sách kinh tế kỹ thuật số đầu tiên mà các nhà lãnh đạo tại hội nghị thông qua.

Văn kiện đề xuất bảy nguyên tắc định hướng phát triển kinh tế số là đổi mới sáng tạo, hợp tác, hiệp lực, linh hoạt, hòa nhập, môi trường kinh doanh cởi mở và thuận lợi, luồng thông tin bổ trợ cho tăng trưởng kinh tế, niềm tin và an ninh.

Văn kiện cũng xác định sáu lĩnh vực hợp tác chính trong nền kinh tế kỹ thuật số, bao gồm mở rộng truy cập băng thông rộng và nâng cao chất lượng; xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực CNTT-TT; hỗ trợ khởi nghiệp và thúc đẩy chuyển đổi số; khuyến khích hợp tác thương mại điện tử; tăng cường hòa nhập số và đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Nền kinh tế kỹ thuật số của Trung Quốc đang bùng nổ

Theo sách trắng do CAICT công bố, nền kinh tế kỹ thuật số của Trung Quốc đạt 7,1 nghìn tỷ USD vào năm 2021, chiếm 39,8% GDP của nước này.

Cũng theo sách trắng, từ năm 2012 đến năm 2021, tốc độ tăng trưởng trung bình của nền kinh tế kỹ thuật số Trung Quốc là 15,9% và tỷ trọng trong GDP tăng từ 21,6% lên 39,8%.

Vai trò của nền kinh tế kỹ thuật số trong công cuộc ổn định và đẩy nhanh đà phát triển của kinh tế Trung Quốc ngày càng trở nên rõ nét.

Tính đến tháng 6/2022, Trung Quốc có 1,05 tỷ người dùng internet, biến nơi đây thành xã hội kỹ thuật số năng động và lớn nhất thế giới.

Trung Quốc cũng đã xây dựng mạng lưới 5G lớn nhất thế giới với 1,97 triệu trạm 5G vào cuối tháng 7.

Trong khi nền kinh tế số nở rộ của Trung Quốc ngày càng trở nên thiết yếu, quốc gia này cũng đang mang đến nhiều cơ hội hơn cho các công ty quốc tế phát triển tại thị trường của mình và sẵn sàng bắt tay với các nước G20 trong lĩnh vực này.

Vào tháng 6, công ty Siemens của Đức đã thành lập Trung tâm hỗ trợ số hóa cơ sở hạ tầng thông minh đầu tiên tại Trung Quốc, mở ra cơ hội hợp tác với các công ty trong nước về cơ sở hạ tầng thông minh.

Gã khổng lồ công nghệ IBM của Hoa Kỳ với dịch vụ đám mây đã tích cực hợp tác với các công ty Trung Quốc trong quá trình chuyển đổi kỹ thuật số của mình.

Trung Quốc cũng đang phối hợp với Brazil trong hoạt động bảo vệ hệ sinh thái tại rừng nhiệt đới Amazon bằng công nghệ kỹ thuật số. 

https://news.cgtn.com/news/2022-11-14/Digital-economy-turns-new-growth-engine-for-China-other-G20-members--1eWXYmrvcXe/index.html