BẮC KINH, ngày 03/09/2024 /PRNewswire/ -- Nằm cách thủ đô Addis Ababa 95 km về phía Đông Nam, tại trung tâm của Đới tách giãn Đông Phi, Dự án Điện gió Adama sừng sững với những tuabin màu trắng ấn tượng cao 80 mét. Dự án do các công ty Trung Quốc xây dựng này là một bước ngoặt trong quan hệ đối tác giữa Trung Quốc và các nước châu Phi.
Từ khi bắt đầu hoạt động vào tháng 5 năm 2015, các tuabin gió đã trở thành nguồn điện quan trọng cho khoảng 600.000 hộ gia đình. Dự án đã giúp giảm bớt tình trạng thiếu điện ở Ethiopia, giảm nhu cầu sử dụng máy phát điện diesel và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Dự án đã tạo ra khoảng 2.100 việc làm tại địa phương và một số trường đại học tham gia công tác đào tạo, bảo trì. Kinh nghiệm thực tế này rất hữu ích cho nhiều người sau này sẽ đảm nhiệm các vai trò trong lĩnh vực điện gió của Ethiopia.
Thành phố Adama cũng tăng trưởng đáng kể về dân số, tăng từ 324.000 người vào năm 2015 lên hơn 480.000 người vào năm 2023. Đầu tư và cơ sở hạ tầng cải thiện đã thu hút doanh nghiệp từ nhiều quốc gia, mang đến những thay đổi nhanh chóng cho diện mạo của thành phố. Đối với người dân địa phương, nhờ giao thông thuận tiện hơn, nguồn điện ổn định, khả năng tiếp cận giáo dục và chăm sóc sức khỏe tốt hơn, chất lượng cuộc sống của họ đã được nâng cao đáng kể.
Các công ty Trung Quốc đã mang công nghệ xanh tiên tiến đến Ethiopia, giúp chính phủ nước này đạt được mục tiêu về năng lượng tái tạo. Quan hệ hợp tác này cũng góp phần vào quá trình chuyển đổi xanh và cuộc chiến toàn cầu chống biến đổi khí hậu.
Trung Quốc và các nước châu Phi đã có quan hệ hữu nghị kể từ Thế chiến II và trong những năm gần đây, hai bên đã hợp tác ngày càng nhiều thông qua các sáng kiến như Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI). Từ đường sắt và đường bộ đến các trang trại gió và nhà máy điện, cũng như trường học và bệnh viện, các dự án cơ sở hạ tầng do Trung Quốc hỗ trợ đã giúp phát triển kinh tế của toàn bộ châu Phi.
Tuyến đường sắt Addis Ababa-Djibouti là một ví dụ. Đây là một tuyến giao thông huyết mạch nối liền Ethiopia và Djibouti, đã rút ngắn đáng kể thời gian di chuyển, giảm chi phí hậu cần và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương. Đến nay, tuyến đường sắt này đã vận chuyển 680.000 hành khách và 9,5 triệu tấn hàng hóa, có tốc độ tăng trưởng doanh thu trung bình hàng năm là 39%.
Theo sách trắng "Trung Quốc và châu Phi trong kỷ nguyên mới: Quan hệ đối tác bình đẳng" do Quốc vụ viện Trung Quốc công bố năm 2021, từ khi Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc - châu Phi (FOCAC) được thành lập vào năm 2000, các công ty Trung Quốc đã giúp các nước châu Phi xây dựng hoặc nâng cấp hơn 10.000 km đường sắt, gần 100.000 km đường cao tốc, khoảng 1.000 cây cầu, gần 100 cảng và 66.000 km đường truyền tải và phân phối điện.
Quan hệ kinh tế và thương mại chặt chẽ hơn
Bên cạnh các dự án BRI, Trung Quốc và các nước châu Phi cũng đã phát triển quan hệ kinh tế, thương mại chặt chẽ hơn với khối lượng thương mại ngày càng tăng, hàng hóa và dịch vụ đa dạng. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của châu Phi trong 15 năm liên tiếp. Theo dữ liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc, thương mại Trung Quốc - châu Phi đạt mức cao kỷ lục là 282,1 tỷ USD vào năm 2023, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm trước. Thương mại giữa Trung Quốc và châu Phi tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước lên 1,19 nghìn tỷ nhân dân tệ (khoảng 166,6 tỷ USD) từ tháng 1 đến tháng 7.
Theo ông Sang Baichuan, Viện trưởng Viện Kinh tế Quốc tế thuộc Đại học Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế Trung Quốc, thương mại Trung Quốc - châu Phi đã tăng trưởng nhanh chóng nhờ quan hệ hợp tác đôi bên cùng có lợi. Ông cho biết nền kinh tế Trung Quốc và nền kinh tế các nước châu Phi có nhiều yếu tố bổ sung cho nhau. Trung Quốc có công nghệ, thiết bị tiên tiến, phù hợp cũng như nguồn vốn dồi dào, trong khi các nước châu Phi lại có lợi thế đáng kể về nhân lực, tài nguyên thiên nhiên.
"Tăng cường quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và châu Phi sẽ có lợi nhờ khai thác được lợi thế và thị trường rộng lớn của mỗi bên, đạt được lợi ích chung và phát triển cùng có lợi", ông Sang cho biết.
Bà Diane Sayinzoga, một quan chức cấp cao của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), cũng đánh giá cao quan hệ đối tác thương mại Trung Quốc-châu Phi. Bà cho rằng quan hệ này đã tạo điều kiện cho các dự án cơ sở hạ tầng lớn, có ý nghĩa quan trọng đối với hội nhập kinh tế và tăng trưởng của lục địa châu Phi.
Bà nói thêm rằng hỗ trợ của Trung Quốc cũng phù hợp với mục tiêu của UNCTAD là tăng cường phát triển bền vững ở châu Phi thông qua nâng cao năng lực sản xuất, tăng cơ hội thương mại, thúc đẩy đa dạng hóa kinh tế và đưa các nước châu Phi vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Bắc Kinh dự kiến tổ chức Hội nghị thượng đỉnh FOCAC 2024 từ ngày 4 đến ngày 6 tháng 9. Các chuyên gia cho biết diễn đàn sẽ là cơ hội quan trọng để Trung Quốc và châu Phi tăng cường mối quan hệ kinh tế và thương mại, đạt được lợi ích chung, thúc đẩy các mục tiêu phát triển chung.
Bà Sayinzoga phát biểu: "FOCAC đã mang lại nhiều thỏa thuận về các dự án đầu tư, thương mại, phát triển giữa Trung Quốc và các nước châu Phi nhằm đạt được các mục tiêu phát triển chung, hoàn toàn phù hợp với sứ mệnh của UNCTAD".