BẮC KINH, 28/03/2023 /PRNewswire/ - Trong ba năm qua, Trung Quốc đã vượt qua một số làn sóng dịch COVID-19 với chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn. Điều này đã cho phép Trung Quốc duy trì tỷ lệ ca bệnh nặng và tử vong thấp nhất thế giới.
Để đối phó với tình hình biến chuyển không ngừng, Trung Quốc đã tối ưu hóa chiến lược ứng phó với COVID-19 bằng cách phối hợp phòng, chống dịch với phát triển kinh tế và xã hội.
Đầu năm 2023, nền kinh tế Trung Quốc đang có những dấu hiệu tích cực, với một số diễn biến cho thấy khả năng thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu.
Dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia (NBS) cho thấy sản lượng công nghiệp giá trị gia tăng của Trung Quốc, một chỉ số về cung quan trọng, đã tăng 2,4% so với cùng kỳ năm ngoái trong hai tháng đầu năm 2023.
Về phía cầu, các chỉ số chính về tiêu dùng, đầu tư và ngoại thương cũng tăng trong cùng kỳ. Doanh thu bán lẻ hàng tiêu dùng và đầu tư tài sản cố định tăng lần lượt là 3,5% và 5,5%.
Tăng trưởng kinh tế ổn định
Khi niềm tin của người tiêu dùng dần được khôi phục và các chính sách thúc đẩy tiêu dùng có hiệu lực, NBS hy vọng tiêu dùng sẽ tiếp tục phục hồi.
Để kích cầu tiêu dùng nội địa, chính phủ Trung Quốc đã triển khai các chính sách hỗ trợ trên toàn quốc, bao gồm phát phiếu mua hàng cho người dân và phát động các lễ hội khuyến khích tiêu dùng.
Theo Hội đồng Nhà nước, Trung Quốc tiếp tục nhấn mạnh vào quá trình phát triển chất lượng cao, bao gồm thúc đẩy nền kinh tế thực, xúc tiến sản xuất cao cấp và đẩy nhanh hoạt động xây dựng hệ thống công nghiệp hiện đại.
Trung Quốc đang đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế ổn định cũng như đặt mục tiêu tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt mức khoảng 5%.
Trong một cuộc họp báo diễn ra vào hôm thứ Tư tuần trước, phát ngôn viên của NBS Fu Linghui cho biết mặc dù nền kinh tế đã phục hồi trong hai tháng đầu năm nay nhưng Trung Quốc vẫn cần khuyến khích tiêu dùng và củng cố nền tảng cho quá trình phục hồi kinh tế bền vững.
Bắt đầu từ ngày 27/03, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc sẽ giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) đối với các tổ chức tài chính (không bao gồm những tổ chức đã thực hiện tỷ lệ 5%) xuống 0,25 điểm phần trăm. Sau khi giảm, RRR trung bình có trọng số cho người cho vay sẽ giảm xuống còn khoảng 7,6%.
Mục đích của động thái này là để duy trì một lượng thanh khoản dồi dào hợp lý nhằm phục vụ nền kinh tế thực cũng như cung cấp hỗ trợ tài chính nhằm kích thích nhu cầu trong nước.
Tăng trưởng ổn định giữa khó khăn
Nền kinh tế Trung Quốc đã duy trì tăng trưởng ổn định trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát trở lại trong năm qua.
Theo NBS, GDP của Trung Quốc đạt mức cao kỷ lục 121 nghìn tỷ nhân dân tệ (khoảng 17,95 nghìn tỷ đô la) vào năm 2022, sau khi vượt qua ngưỡng 100 nghìn tỷ nhân dân tệ vào năm 2020 và 110 nghìn tỷ nhân dân tệ vào năm 2021.
Trong khi đó, sản lượng công nghiệp giá trị gia tăng tăng 3,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, lĩnh vực sản xuất công nghệ cao và sản xuất thiết bị cho thấy đà tăng trưởng đáng kể với giá trị sản lượng tăng lần lượt là 7,4% và 5,6%.
Bất chấp nhiều thách thức trong ba năm qua, nền kinh tế Trung Quốc vẫn duy trì ở mức ổn định. Đây là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới bắt đầu hoạt động và mở cửa kinh doanh trở lại vào năm 2020 và cũng là nền kinh tế lớn duy nhất đạt được mức tăng trưởng dương trong năm đó.
Giáo sư Liu Bin tại Viện Nghiên cứu WTO Trung Quốc thuộc Đại học Kinh doanh và Kinh tế Quốc tế ở Bắc Kinh cho biết: "Trung Quốc đã và đang nỗ lực giảm thiểu tác động của đại dịch đối với chuỗi cung ứng và hoạt động kinh doanh trong nước".
Để ổn định tăng trưởng kinh tế, Trung Quốc đã thực hiện một số chính sách, bao gồm huy động vốn đầu tư cơ sở hạ tầng, giảm chi phí tiện ích cho các chủ thể thị trường và hỗ trợ các công ty bị ảnh hưởng nghiêm trọng do đại dịch với mục đích giúp giảm bớt gánh nặng tài chính.
Theo ông Liu, quá trình phục hồi tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc dự kiến sẽ nhanh hơn so với thị trường quốc tế. Điều này là rất quan trọng để củng cố niềm tin vào quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu.
Ông Liu chia sẻ: "Do vai trò của Trung Quốc trong thương mại toàn cầu là rất lớn nên quá trình phục hồi kinh tế của nước này có thể mang lại sức sống cho nền kinh tế toàn cầu".
Theo dữ liệu từ Tổng cục Hải quan, tổng thương mại hàng hóa của Trung Quốc đạt 42,07 nghìn tỷ nhân dân tệ (khoảng 6,21 nghìn tỷ đô la) vào năm 2022, đứng đầu toàn cầu năm thứ sáu liên tiếp.
Ngoài ra, theo số liệu chính thức, Trung Quốc đã dẫn đầu thế giới về xuất khẩu trong 14 năm liên tiếp, chiếm 14,7% thị trường xuất khẩu trên thế giới.
Phó giáo sư Khoa Kinh tế Ứng dụng tại Trường Quản lý thuộc Đại học Phúc Đán, Bai Rangrang cho biết: "Trung Quốc không chỉ đóng vai trò quan trọng trong thương mại thế giới mà xuất khẩu của nước này còn đóng góp rất lớn vào tăng trưởng GDP".
Ông Bai chia sẻ: "Ở một mức độ nào đó, xuất khẩu đã thu hẹp khoảng cách trong sụt giảm tiêu dùng hộ gia đình và đầu tư kinh doanh vào năm ngoái". Ông cũng nhấn mạnh rằng yếu tố quan trọng đứng sau việc này là nhờ Trung Quốc đã mở cửa rộng hơn với thế giới.